danhbaviet.vn - Danh bạ thông tin doanh nghiệp Việt Nam

[chitiet]



Không chỉ Đà Lạt, các tỉnh thành khác ở khu vực Tây Nguyên cũng có nhiều nét độc đáo mà chúng ta chưa khám phá hết đâu. Nếu đang phân vân không biết đi đâu, hãy thử ghé qua Gia Lai, nơi có “đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy” nhé!

1. Thời gian thích hợp đi du lịch Gia Lai

Gia Lai thuộc vùng khí hậu cao nguyên nhiệt đới gió mùa nên có độ ẩm cao, lượng mưa lớn, thời tiết không có bão và không có sương muối. Khí hậu chia làm hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Trong đó mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Mùa mưa thường có mưa lớn vào buổi sáng hoặc cả ngày nên sẽ gây khó khăn cho việc di chuyển, đi lại. Ngoài ra, du lịch Gia Lai nhiều khi các bạn sẽ đi vào các khu vực rừng núi, thác nước, các bản làng nên việc di chuyển trong thời tiết nhiều mưa, đường xá ẩm ướt, lầy lội sẽ không phải là thuận lợi.
Vì vậy, các bạn nên đi du lịch Gia Lai – Pleiku vào mùa khô, đặc biệt là những tháng cuối năm như tháng 11, 12. Bởi vì lúc này lúa chín vàng trên các nương đồi, hoa dã quỳ nở vàng rực các nẻo đường cũng làm cho núi rừng Tây Nguyên rực rỡ hơn. Đây cũng là thời điểm các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc diễn ra như lễ mừng lúa mới, lễ ăn cơm mới, liên hoan cồng chiêng, lễ hội đâm trâu, lễ bỏ mả,...
Tháng 3 cũng là một thời điểm khác nữa mà bạn có thể thưởng thức vẻ đẹp của Gia Lai. Đây là thời điểm hoa cà phê nở và sâu bướm nở nên bướm vàng bay đầy trời.

2. Phương tiện di chuyển đến Gia Lai

- Đi bằng máy bay
Hiện tại có các đường bay từ Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM; với mật độ khoảng 1 chuyến/ngày. Sân bay Pleiku cách trung tâm thành phố khoảng 4km, nên bạn có thể dễ dàng di chuyển về thành phố bằng taxi. Các chuyến bay tới Gia Lai thường có giá cao hơn so với các tỉnh thành Tây Nguyên khác nên nếu có dự định đi du lịch Gia Lai thì bạn nên đặt trước để có giá tốt nhé. Phương án này giúp các bạn tiết kệm được thời gian di chuyển rất nhiều đấy.
- Đi bằng xe khách
+ Từ Hà Nội:
Các bạn có thể đi các hãng xe Quân Trung, Hồng Hải, Việt Hưng, Đắk Pơ; mỗi ngày đều có 2 chuyến vào buổi sáng và chiều, xuất phát tại bến xe Giáp Bát.
+ Từ TP Hồ Chí Minh:
Nếu khởi hành từ TP.HCM thì có rất nhiều hãng xe như xe Hoa Châu, Tứ Loan, Phú Hưng, Nam Phong, Cô Hai, Thuận Hưng, Việt Tân Phát; giá vé từ 200k – 300k. Mọi người nhớ nói điểm xuống khi lên xe vì nhiều xe bến cuối không phải ở Gia Lai. Có các chuyến xe ghế ngồi hay giường nằm, tuỳ theo bạn muốn đi ban ngày hay ban đêm, đến Gia Lai sau 8 tiếng khởi hành. 
- Đi bằng phương tiện cá nhân
Từ TP.HCM hay những tỉnh gần Gia Lai, các bạn có thể lựa chọn phương tiện cá nhân như xe máy hoặc ô tô để thoải mái trong quá trình vừa di chuyển vừa khám phá.
+ Tuyến thứ nhất với quảng đường chỉ khoảng 635km và dành cho cả người đi xe máy lẫn ô tô: Từ nội thành TP.HCM bạn xuất phát theo hướng cầu Sài Gòn rồi đi vào xa lộ Hà Nội đi thẳng theo đường Võ Nguyên Giáp. Bạn đi hết đường Võ Nguyên Giáp khoảng đến ngã ba Dầu Giây rồi rẽ trái vào quốc lộ 20. Tiếp đó bạn chạy thẳng theo hướng đường quốc lộ 20 đến địa phận tỉnh Lâm Đồng. Từ Lâm Đồng, bạn tiếp tục đi theo hướng quốc lộ 27 đến Buôn Ma Thuột. Từ thành phố Buôn Ma Thuột, bạn hành trình tiếp theo hướng quốc lộ 14 khoảng 110km nữa là đến địa phận tỉnh Gia Lai.
+ Tuyến thứ hai dài khoảng 645 km và chỉ dành cho ô tô:: Từ trung tâm thành phố Hồ Chí Minh bạn đi theo hướng hầm Thủ Thiêm, sau đó tiến vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đi hết đường cao tốc, bạn rẽ trái đi vào quốc lộ 1 rồi rẽ phải vào quốc lộ 20 đến địa phận tỉnh Lâm Đồng. Từ đây bạn tiếp tục đi theo hướng chỉ dẫn như của tuyến đường thứ nhất đến Gia Lai.
Bạn nên lưu ý đường ở các tỉnh Tây Nguyên khá hẹp, nhiều đèo, dốc, cần chú ý tốc độ, tầm nhìn và cẩn thận với xe khách ngược chiều chạy ẩu. Nên mang đầy đủ giấy tờ xe, chấp hành đúng luật giao thông đường bộ, chạy đúng tốc độ quy định (có khá nhiều trạm kiểm tra tốc độ).

3. Phương tiện di chuyển tại Gia Lai

Để di chuyển trong thành phố Pleiku và ra các khu vực lân cận, các bạn có thể lựa chọn đi taxi, thuê ô tô (nếu đi nhóm lớn), thuê xe máy hoặc đi xe bus.
- Đi bằng xe bus
Từ thành phố Pleiku các bạn có thể đi xe bus sang các huyện khác như An Khê, Kon Tum, Pleiku, La Grai, Đức Cơ, Chư Sê, Chư Puh, Chư Prong. Giá vé xe bus từ 10k - 35k tùy tuyến, bắt xe tại các trạm xe bus trên đường Trần Phú và Hùng Vương.
- Đi bằng taxi
Ở Pleiku có một vài hãng taxi như Mai Linh, Hùng Nhân, Huy Hoàng, Phú Quý, Tre Xanh. Các hãng taxi đều có giá gần như nhau, không chênh lệch nhiều và taxi đỗ nhiều ở khu vực trung tâm, các bạn có thể gọi ngay mà không cần gọi điện thoại tới hãng. Khi đi tới những khu vực xa thành phố các bạn nên hỏi trước thông tin, thỏa thuận về giá cả, các loại phí nếu có với tài xế. Nên hỏi thông tin trước ở hãng xe để tránh bị tính nhiều loại phí hơn mức quy định.
- Thuê ô tô và xe máy
Nếu các bạn đi một nhóm lớn các bạn nên thuê xe ô tô để di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác. Đối với ô tô, tốt nhất, các bạn hỏi thuê ngay tại khách sạn mình ở. Hầu hết các khách sạn đều có liên kết với một công ty cho thuê xe du lịch và họ sẽ phục vụ bạn một cách nhiệt tình. Các khách sạn ở Pleiku thường đều có dịch vụ cho thuê xe máy, giá khoảng 150k - 200k/ngày tùy loại xe, xăng tự đổ. Theo cá nhân mình giá thuê xe máy ở đây khá đắt so với một vài thành phố du lịch khác. Dịch vụ thuê xe máy ở Pleiku cũng phổ biến nên dân du lịch bụi thường đến Pleiku và thuê xe máy di chuyển sang các huyện, các tỉnh lân cận.
4. Ở đâu khi đi du lịch Gia Lai
- Nếu muốn gần trung tâm để thuận tiện ăn uống và đi lại, các bạn nên chọn khách sạn trên đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Phạm Văn Đồng và đặc biệt là khu vực phường Diên Hồng – nơi có khu chợ lớn nhất Gia Lai. Một số khách sạn tiêu biểu là: Hoàng Anh Gia Lai, Pleiku, Ialy.
 - Nếu muốn tìm kiếm khách sạn giá rẻ hợp túi tiền, các bạn có thể tìm khách sạn gần bến xe Đức Long hoặc một sô khách sạn trong trung tâm chất lượng hơn như khách sạn Sê San Gia Lai hay Đức Long 1 &2.

5. Những nơi nên đi tham quan khi du lịch Gia Lai

Núi ChưH’Rông (Núi Hàm Rồng)
Sáng sớm, các bạn có thể bắt đầu với địa điểm đầu tiên là Núi Hàm Rồng, hay còn gọi là núi ChưH’Rông. Ngắm nhìn thành phố từ trên cao là một cảm giác hết sức thú vị. Nằm cách thành phố 7km, các bạn đi xe máy lên được tới đỉnh núi, xin phép các chú bộ đội đóng quân trên đó để có thể leo lên đài quan sát. Đường lên núi Hàm Rồng hai bên có rất nhiều hoa dã quỳ nên vào cuối năm thì con đường này có thể nói là tuyệt đẹp.
Biển Hồ (hồ T’Nưng)
Biển Hồ là tên mọi người đặt cho hồ T’Nưng - một trong trong những hồ nước tự nhiên đẹp nhất Tây Nguyên. Được hình thành từ một miệng núi lửa, Biển Hồ rộng đến mức đứng giữa hồ không thể thấy bờ đâu, bởi thế người ta coi Biển Hồ như đôi mắt của thành phố Pleiku xinh đẹp và thơ mộng. Tên gọi Biển Hồ nhưng nằm trên núi, đứng từ bờ nhìn ra xa bạn có thể trông thấy màu xanh bất tận của nước hồ trong vắt, gió biển hòa với gió núi mát rượi thật sảng khoái. Để khám phá vẻ đẹp Biển Hồ, không gì hơn là tự mình đạp xe qua những cánh rừng già Tây Nguyên, tận hưởng cảm giác tự do tự tại của vùng đất đỏ.
Chùa Minh Thành
Chùa với kiến trúc kiểu Đài Loan từ xa đã rất thu hút khách du lịch vì có một tòa tháp khổng lồ nằm trong một khuôn viên khá đồ sộ ở số 14 Nguyễn Viết Xuân. Trong chùa, các chi tiết kiến trúc, điêu khắc đều có dấu ấn riêng. Ngoài chùa Minh Thành, Pleiku còn có Chùa Bửu Nghiêm, ở đường Lý Thái Tổ, nhưng khi mình đến đây thì chùa đang được trùng tu lại, ngổn ngang gạch đá nên mình không vào bên trong.
Nhà tù Pleiku 
Đây là nơi giam giữ tù chính trị dưới thời Pháp, Mỹ (trước năm 1975), di tích này nằm ngay trong trung tâm thành phố, cách bưu điện 300m, hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật được sử dụng trong thời gian trước 1975 ở trong tù cũng như những hình thức tra tiến được áp dụng ở đây.

Bảo tàng anh hùng Núp
Bào tàng anh hùng dân tộc Núp  hay còn gọi là nhà lưu niệm anh hùng Núp được xây dựng từ năm 2010 và khánh thành vào ngày 06/05/2011. Ngôi nhà tọa lạc tại làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, một ngôi làng kháng chiến đã trở thành biểu tượng của “Đất nước đứng lên” và có tiếng vang tới tận Tây Bán Cầu. Bảo tàng anh hùng dân tộc Núp được xây dựng theo mô hình cấu trúc nhà sàn truyền thống của người Bana trên diện tích 450m2 với tổng kinh phí 7,5 tỉ đồng. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đã tạo nên một nét cuốn hút rất riêng mà bất kỳ ai khi đặt chân đến mảnh đất này cũng không khỏi trầm trồ.

Hồ thủ điện Yaly
Từ Biển Hồ, đi xa hơn về phía Kon Tum, các bạn có thể tham quan một địa danh nổi tiếng từ lâu đời, đó là Hồ Thủy điện Yaly, vé vào cửa là 30k/người. Thủy điện Yaly đã biến khu vực này thành một lòng hồ rộng lớn với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng và hùng vĩ. Đây là công trình Thủy điện lớn thứ 2 ở nước ta, sau Thủy điện Hòa Bình. Các bạn đi xe máy thì không thể chạy vào trong đập được. Mà phải thuê xe ô tô 4 chỗ với giá 200k/xe ở gần đó để đi vào đập Thủy điện, ngắm nhìn từ trên cao hoặc vào tham quan khu vực tuabin. Gần khu vực thủy điện có một khu du lịch sinh thái Yaly nhưng do quá vắng khách nên hiện đã không còn phục vụ nữa. Đường vào Thủy điện đẹp, dễ đi nhưng nếu các bạn đi từ hướng Kon Tum sang Pleiku thì cần chú ý biển chỉ đường. Tốt nhân nên hỏi người dân xem đi đường đó đã đúng chưa. 
Thác Phú Cường
Từ trung tâm thành phố Pleiku, các bạn có thể đi sang các vùng lân cận để thăm một số thác nước rất nổi tiếng ở khu vực này. Thác Phú Cường, huyện Chư Sê, cách thành phố Pleiku hơn 40km, được ví như dải lụa vắt ngang núi rừng Tây Nguyên, thác nước cao nhất Tây Nguyên. Thác Phú Cường chảy trên nền nham thạch của một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động và có độ cao 45m nên ngắm nhìn thác từ bên dưới khiến du khách cảm thấy hết sức ngoạn mục. Thác nước khá dữ, cách đây vài năm muốn xuống thác phải đu dây khoảng 200m, nhưng hiện nay đã có đường đi xuống thác. Tuy nhiên, đá ở thác rất trơn, nước chảy xiết nên các bạn cần phải rất cẩn thận, không nên vì muốn chụp ảnh thác mà quá mạo hiểm. Dịch vụ phổ biến nhất ở hồ này là đi thuyền máy trên hồ và ăn cá lòng hồ nướng.
Thác Xung Khoeng
 Thác Xung Khoeng nằm giữa ranh giới hai xã Ia D’Rang và Ia Boong, gần nhà máy chế biến của công ty Cao su Chư Prong, cách thành phố Pleiku khoảng 30km. Đây lại là một khung cảnh khác với đá, rêu và những thảm cỏ xanh, thác Xung Khoeng mang một vẻ đẹp hoang dã.
Đến năm ngoái vẫn chưa có đường dễ đi xuống được thác và theo người dân bản địa ở đây thì phải đi đường vòng và rất khó đi, hoặc mùa khô có thể đi được xuống theo đường bên phải thác nhưng mùa mưa thì không thể xuống được do cây cỏ mọc um tùm hết cả lối mòn. Nhưng hiện nay có nhiều công ty du lịch ở Gia Lai đã đưa thác Xung Khoeng vào lịch trinh tham quan của mình nên có thể đường đi đã dễ hơn trước.
Đồi thông Hà Tam - biển Hồ Chè
Nếu các bạn là một nhóm lớn và thích các không gian có thể cắm trại được, các bạn có thể khám phá Đồi thông Hà Tam, thuộc huyện Đăk Pơ, cách đường 19 khoảng 5km. Ở đây có những cây thông cổ thụ có đường kính từ 1m đến 1,5m, phải 5 người mới có thể ôm được. Cũng có những cây thông không có hình dáng như bình thường mà rất đặc biệt khiến các bạn cảm thấy ngạc nhiên. Khu vực này hiện đang được đầu tư thành khu du lịch sinh thái nên một vài năm nữa có thể sẽ có rất nhiều resort mọc lên ở đây, còn hiện nay thì  không có dịch vụ nào đáng nói cả.

Vườn quốc gia Kon Ka Kinh 
Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh cũng rất thu hút đối với những khách du lịch có máu thám hiểm. Kon Ka Kinh cũng giống như các khu vực rừng quốc gia khác ở khu vực này, nếu các bạn tính dành thời gian tham quan thì cần có sự chuẩn bị kỹ càng để chuyến thám hiểm của các bạn an toàn nhất. Các đoàn tham quan vào vườn Kon Ka Kinh thực ra ra đa phần là các đoàn thám hiểm, các đoàn nghiên cứu về Sinh vật, Địa chất hay Bảo tồn Thiên nhiên. Khi vào vườn quốc gia phải được sự đồng ý của Ban Quản lý và có người hướng dẫn đi theo đoàn.
Thác Mơ
Để đến được thác nước, các bạn sẽ được cảm giác mát lành khi đi dưới tán rừng cao su bạt ngàn nối nhau thẳng tắp. Vào mùa đông, những chiếc lá cao su bắt đầu ngả sang màu úa, rụng bay theo gió không khác nào cảnh trong những thước phim tình lãng mạn. Tiếp đó, các bạn sẽ băng qua những tán điều đang độ bung lộc biếc, nở những chum hoa tỏa hương thơm ngát lại làm say đắm lòng người. Vượt qua quãng đường mòn, sẽ đặt chân tới đỉnh của thác nước. Đứng ở trên cao, bạn sẽ được phóng tầm mắt nhìn cảnh vật xung quanh và cảm nhận được âm thanh gầm gừ của thác nước.
Quảng trường Đại Đoàn Kết
Nằm ngay chính giữa trung tâm thành phố Pleiku, ai đến đây cũng đều làm vài kiểu trước khi về. Quảng trường rộng mênh mông đi hoài không hết, thêm nữa là không khí lại cực kì trong lành, mát mẻ, dù nắng cũng chẳng thấy khó chịu chút nào. Quảng trường của Pleiku còn được ưu ái đặt tượng đài Bác Hồ bằng đồng lớn nhất Việt Nam nên check-in ở đây sẽ vô cùng đặc biệt. Nếu đến đây đúng dịp lễ tết thì sẽ may mắn được tham gia vào các lễ hội của người Tây Nguyên nữa đó.
Đồng Xanh 
Thuộc địa phận xã An Phú, ngoại ô thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, cách thành phố chưa tới 30 phút xe máy. Mới đến đây thôi bạn sẽ bất ngờ vì cổng chào siêu chất mang đậm chất Tây Nguyên đó. Bạn chỉ cần dắt túi 30k để bắt đầu một hành trình khám phá cả vùng đất Tây Nguyên chứ không chỉ riêng Gia Lai, bởi Đồng Xanh được ví như một Tây Nguyên thu nhỏ với các công trình mang đặc trưng của người đồng bào như nhà rông, nhà sàn. Không những vậy, nếu là người ưa thích mạo hiểm thì bạn còn có thể thỏa sức khám phá trải nghiệm vượt thác, leo núi, chui hang động trên mô hình thác núi nhân tạo nhưng giống y như thật của Đồng Xanh nữa nhé.
6. Những món phải ăn khi đi du lịch Gia Lai 
Phở khô (phở hai tô)  
Một món ăn đặc trưng của người Gia Lai ngay từ cái tên là phở khô hay còn gọi là phở hai tô. Khi thưởng thức phở thực khách được phục vụ 2 tô lớn với 1 tô thứ nhất là bánh phở và tô thứ hai là nước dùng. Bánh phở ở đây vừa nhỏ vừa săn vừa mịn khi trùng qua nước nóng thì sợi phở nở ra mềm mại hơn. Khi ăn phở hai tô người ta ăn kèm thịt heo băm, gà xé sợi, bắp bò, cùng các loại rau sống phổ biến. Giá mỗi suất phở hai tô là từ 25k-35k. 
Muối kiến vàng 
Một món ngon của Gia Lai khác nữa là muối kiến vàng. Nguyên liệu làm ra loại muối độc đáo này là kiến vàng rừng vùng Ayun Pa, nghe có vẻ rất kinh dị nhưng nếu bạn đã được nếm qua loại muối này thì chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên được hương vị thơm ngon ấy. Vị mặn đặc trưng riêng của kiến cùng với vị chua của thứ axit trong bung con kiến thật khó diễn tả. Bạn có thể dùng nó để chấm thịt, hoa quả đều rất ngon.
Lẩu lá rừng
Một món ăn mang đậm hương vị thiên nhiên của núi rừng đại ngàn đó chính là lẩu lá rừng. Với thành phần là các loại lá rừng khác nhau không chứa độc tố được lựa chọn kỹ càng làm tăng tính dinh dưỡng và có tác dụng tốt cho sức khỏe. Lẩu lá rừng là món ăn không thể trộn lẫn của người Gia Lai.
Bún mắm cua
Bún mắm cua có mặt ở hầu hết các tỉnh khu vực Tây Nguyên nhưng nhiều người cho rằng nó có nguồn gốc là của những người Bình Định khi di cư tới Gia Lai thì đã làm ra món ăn này. Đây không phải là món ai ăn cũng thấy thích ngay vì mùi vị đậm của nó. Nước dùng bún cũng được nấu từ cua đồng như Canh bánh đa Cua, Bún riêu cua nhưng điểm khác biệt nhất đó là cua đồng sau khi lọc lấy nước thì nước này được ủ khoảng 1 ngày để lên men, đây chính là lý do tại sao món này lại có mùi vị khác biệt như vậy.
Canh lá bép
Những người dân nơi đây tìm thấy trong rừng của mình có hàng trăm các loại lá khác nhau mà không nơi nào có được, và lá bép là một trong những loại có nhiều nhất. Lá này có vị ngọt lợ nên người dân còn gọi là “lá mỳ chính”. Trước đây vào thời kỳ chiến tranh, người dân chỉ cần cho vài lá bép vào nồi nước là đã có một nồi canh cho cả gia đình. Nhưng ngày nay đã có nhiều cách khác nhau để khiến cho món canh này ngon hơn như: canh cua lá bép, lá bép nấu cá…

Gà tộc, cơm lam
Vùng đất Gia Lai còn có nhiều dân tộc khác nhau sinh sống, vì thế ẩm thực nơi này cũng mang nét văn hoá đa dạng của các dân. Đặc biệt nhất có thể kể đến là món gà tộc, cơm ống lam và rượu cần. Với cái không khí se lạnh, ăn gà tộc chấm cùng muối lá é, có vị thơm và cay nồng cùng rượu cần thì còn gì bằng.

Cá chua
Đây là một món cá được làm để có thể để lâu được, để càng lâu thì món này càng ngon. Cá chua được làm từ cá niệng, một loài cá miệng rộng giống như cá trôi nhưng mình dẹt hơn, sống ở suối. Cá được đánh hết vẩy, bỏ ruột, bóc mang và rửa sạch, cắt thành khúc nhỏ dày chừng 2 phân đến 3 phân, để ráo nước. Khi cá se khô, bắt đầu trộn đều với muối, ớt, lá bép, thính ngô, sau đó cho vào ống nứa hay ống lồ ô khô, sạch, nút thật kín, chặt rồi gác lên dàn bếp hoặc dưới mái nhà. Sau vài ngày, thịt cá nhờ các gia vị này lên men và đem lại một mùi vị rất đặc biệt.

Xem thêm: Cho thuê xe du lịch Gia Lai ​
7. Mua quà gì về khi đi du lịch Gia Lai 
Bò một nắng
Cũng như những sản vật khác của miền cao thường tập trung về phố núi Krông Pa, một huyện cửa ngỏ miền núi tỉnh Gia Lai sát cạnh cao nguyên Sơn Hoà tỉnh Phú Yên. Và cao nguyên Sơn Hoà lại là đồng cỏ chuyên chăn nuôi bò nên món bò một nắng gặp đúng “địa lợi, nhân hoà” để phát triển và quảng bá xuống Tuy Hoà. Ban đầu hương vị bò một nắng còn đơn sơ, nhưng khi giao thoa với văn hoá ẩm thực miền xuôi nó trở nên đa vị hơn. Miếng bò mang hương vị của núi rừng trầm mặc đã trở nên đậm đà, phong phú bởi hơi hướm mặn mà khẩu vị xứ biển. Sự giao hoà miền núi và miền xuôi đó mà thành cái tên “bò một nắng hai sương”.

Muối kiến vàng
Được xem là một tuyệt chiêu của người Gia Lai vùng Ayun Pa, Krông Pa. Để làm món muối lạ lùng này người ta phải vào rừng… bắt kiến. Trong rừng sâu mới có loại kiến vàng to con, vàng ươm, bụng căng mọng. Kiến bắt về rang sơ qua lửa rồi giã với ớt rừng, lá thèn len và vài loại lá rừng khác. Kiến vàng có vị mặn đồng thời bụng kiến chứa đầy thứ dịch chua, vậy là món chấm vừa có vị chua vừa hơi măn mẳn tương tự như muối và chanh. Tuy nhiên muối kiến vàng thật sự ngon đậm khi có thêm muối hột giã nhỏ hoà cùng.

Đặc sản theo mùa 
Đã đến vùng đất Tây Nguyên thì nhất định phải mua cà phê về làm quà. Ở Gia Lai nổi tiếng với nhiều thương hiệu cà phê như Thu Hà, Phiên Phương, Classic… Ngoài ra còn rất rất nhiều đặc sản nổi tiếng ở Gia Lai mà du khách có thể chọn làm quà như mật ong, măng khô hay những thức quà theo mùa như bơ hay sầu riêng
Đồ lưu niệm
Những sản phẩm đồ thổ cẩm, đồ lưu niệm, hàng thủ công,.. cũng góp phần làm chuyến mua sắm của du khách thêm phần sôi nổi. Mặt hàng này vô cùng đa dạng, phong phú để du khách lựa chọn. 
Nếu đi Gia Lai vào mùa mưa, các bạn nên chuẩn bị kỹ càng áo mưa, giày dép thuận tiện và tránh đi vào những khu vực suối, thác vì thời điểm này thác nước chảy xiết, đá trơn, đường mòn bùn đất, lầy lội, rất nguy hiểm cho việc di chuyển nhé!
Thực hiện: Xuân Thảo
Nguồn: tripnow.vn
[/chitiet] [diachi]Tp Pleiku-Gia Lai[/diachi][sodienthoai]1900636145[/sodienthoai] [maillienhe]pleikugialai.net@gmail.com[/maillienhe]